Logistics đã không còn là ngành xa lạ trên thế giới nhưng tại Việt Nam đây vẫn được xem là một ngành mới trong những năm gần đây. Thị trường ngành Logistics Việt đang rất “khát” nên cần rất nhiều lao động theo làm việc. Vì vậy, trong bài viết này, nhlogistics muốn thông tin đến bạn đọc Báo Cáo Số Liệu Chuyên Ngành Logistics để các doanh nghiệp biết được thông tin các con số hiện tại từ đó có hướng đầu tư thích hợp.
1. Báo cáo tình hình xuất nhập khẩu
1.1 Xuất khẩu hàng hóa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan (công bố ngày 12/10/2020), xuất khẩu hàng hóa của nước ta trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 202,57 tỷ USD, tăng nhẹ 4,1% so với 9 tháng năm 2019. Trong đó, trị giá xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI đạt 129,82 tỷ USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ. Tỷ trọng của khối FDI trong tổng kim ngạch xuất khẩu cũng giảm xuống còn 64%. Điểm sáng của xuất khẩu là khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục ghi nhận tăng trưởng về trị giá xuất khẩu.
Trị giá xuất khẩu của hầu hết các mặt hàng nông sản, thủy sản đều sụt giảm (trừ gạo và sắn). Ở nhóm ngành công nghiệp nhẹ, xuất khẩu dệt may, da giày, túi xách, ví, va li, ô dù giảm so với cùng kỳ năm 2019, nhưng nhiều sản phẩm công nghiệp chế tạo khác (máy móc, thiết bị điện tử…) vẫn tăng.
1.2 Nhập khẩu hàng hóa
Nhập khẩu hàng hóa các loại trong 9 tháng đầu năm 2020 đạt 186,05 tỷ USD, giảm 0,7% so với cùng kỳ năm 2019; trong đó nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 103,85 tỷ USD, giảm 4,5%. Nhập khẩu giảm mạnh nhất ở nhóm ô tô, xe máy, phương tiện vận tải phụ tùng và rau quả (do đây thường là các mặt hàng không thiết yếu). Nhóm xăng dầu cũng giảm mạnh về trị giá (41,6%) nhưng chủ yếu do yếu tố giá trong khi lượng nhập giảm nhẹ (9,8%). Nhóm nguyên liệu sản xuất và hàng hóa trung gian cũng chứng kiến sự sụt giảm trong năm nay do hoạt động sản xuất hàng xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, tuy nhiên mức giảm không lớn.
1.3 Cán cân thương mại
Cán cân thương mại 9 tháng năm 2020 thặng dư 16,52 tỷ USD (gấp hơn 2 lần mức của 9 tháng năm 2019), trong đó khối doanh nghiệp FDI xuất siêu 52,97 tỷ USD, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục nhập siêu.
2. Báo cáo logistics năm 2020
2.1 Đánh giá chung
* Vận tải hàng hóa đường bộ đạt 963,9 triệu tấn, giảm 7,4% so với cùng kỳ năm trước. Luân chuyển hàng hóa đường bộ đạt 65,2 tỷ tấn.km, giảm 14,2%.
* Vận tải đường sắt, tổng lượng hàng hóa vận chuyển đạt 3,7 triệu tấn, giảm 1,4%. Luân chuyển hàng hóa đường sắt đạt 2,7 tỷ tấn.km, giảm 0,4%.
* Vận tải hàng không đạt 196,6 nghìn tấn, giảm 39,4%; luân chuyển hàng hóa đạt 2,6 tỷ tấn.km, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2019.
* Vận tải thủy nội địa đạt 238,1 triệu tấn giảm 7,6% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển đạt 48,2 tỷ tấn.km, giảm 5,7%.
* Vận chuyển hàng hóa bằng đường biển đạt 58,7 triệu tấn, giảm 4,9%; luân chuyển đạt 123,8 tỷ tấn.km, giảm 3,8% so với 9 tháng năm 2019. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam đạt gần 519 triệu tấn, trong đó lượng hàng container đạt hơn 15,9 triệu TEU, tăng 7% và 12% so với cùng kỳ năm 2019.
2.2 Dịch vụ vận tải đường bộ
Nhìn chung trong năm 2020, do tác động của dịch Covid-19 nên số lượng các doanh nghiệp vận tải đường bộ và phương tiện không tăng so với 2019 khi phương tiện xe tải các loại khoảng 202.765 xe, trong đó có 47.878 xe container, 8.291 xe đầu kéo và 146.596 xe tải.
Vận tải hàng hóa nội địa bằng đường bộ vẫn chiếm tỷ lệ cao nhất trong các loại hình vận tải, năm 2019 là 76,8%. Chi phí vận tải hàng hóa bằng đường bộ còn cao do khoảng 70%-75% xe vận chuyển chỉ có hàng hóa một chiều và chi phí cầu đường, chi phí không chính thức vẫn còn ở mức cao.
2.3 Dịch vụ vận tải đường biển
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển 9 tháng đầu năm 2020 đạt gần 519 triệu tấn. Lượng hàng container thông qua cảng biển đạt hơn 15,9 triệu TEU, tăng 7% và 12% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, các khu vực cảng biển có hàng container tăng mạnh gồm có: Mỹ Tho tăng 268%, Thanh Hóa tăng 60% (chủ yếu là hàng container nội địa), Quy Nhơn tăng 28%, Đà Nẵng tăng hơn 19%, Bà Rịa – Vũng Tàu tăng 18% và Thành phố Hồ Chí Minh tăng 16% so với cùng kỳ năm trước. So với các loại hình dịch vụ vận tải khác, dịch vụ vận tải biển ít bị tác động của dịch Covid-19 hơn.
2.4 Dịch vụ vận tải hàng không
Trong tháng 9/2020 vận tải hàng hóa bằng đường hàng không chỉ đạt 17,6 nghìn tấn, giảm 12% so với tháng 8/2020 và 56,2% so với tháng 9/2019. 9 tháng năm 2020 đạt 196,6 nghìn tấn, giảm 39,4% so với cùng kỳ năm 2019; luân chuyển hàng hóa đạt 2,6 tỷ tấn.km, giảm 54,2% so với cùng kỳ năm 2019.
2.5 Dịch vụ vận tải đường sắt
Trong tháng 9/2020, đã có 413,7 nghìn tấn hàng hóa được vận chuyển bằng đường sắt của Việt Nam, tăng nhẹ so với cả tháng 8/2020 và tháng 9/2019. Như vậy, sau khi liên tục sụt giảm từ tháng 4/2020 đến nay, tháng 9/2020 là tháng đầu tiên khối lượng vận tải hàng hóa bằng đường sắt tăng trở lại. Tính chung 9 tháng năm 2020, tổng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường sắt đạt 3,7 triệu tấn, giảm 1,4%. Luân chuyển hàng hóa đường sắt đạt 2,7 tỷ tấn.km, giảm 0,4%
2.6 Dịch vụ vận tải đường thủy nội địa
Sau khi sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm, vận tải hàng hóa đường thủy nội địa liên tục tăng trưởng tốt từ tháng 5/2020 đến nay, đến tháng 9/2020 đã đạt 32,52 triệu tấn, tăng 6,51% so với tháng 8/2020 và 26,46% so với tháng 9/2019.
3. Kết luận
Trên đây là Báo cáo số liệu chuyên ngành mới nhất năm 2020 về dịch vụ vận tải. Còn số liệu của các dịch vụ khác như dịch vụ kho bãi, dịch vụ giao nhận, dịch vụ đại lý hải quan, dịch vụ ICD,… sẽ được cung cấp trong các bài viết sau.
Nguyên Hà Logistics (NHL) – Giải pháp số 1 về thuê kho, vận chuyển cho doanh nghiệp
Website: www.nhllogistics.vn
Phone: 0768.114.567
Email: contact@nhllogistics.vn
Facebook: www.facebook.com/nhllogistics.vn
Địa chỉ kho : 18 Cộng Hòa, Phường 4, Quận Tân Bình, Hồ Chí Minh.
By Duong Thuy